Một điều thực sự đáng tự hào là món phở bò của Việt Nam đứng đầu danh sách 40 món ăn trên thế giới nên thử trong đời.
Trang Business Insider vừa đưa ra danh sách 40 món ăn ngon của thế giới mà chúng ta nên ăn thử một lần trong đời. Và món phở bò của người Việt đứng đầu danh sách này. Vậy vì sao phở Việt lại đứng top đầu các món ngon thế giới? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé.
Phở là món ăn truyền thống của người Việt Nam. Phở xuất hiện mọi nơi trong các ngõ ngách thành phố, trong mọi bữa ăn. Mọi người có thể ăn phở như bữa ăn sáng, ăn trưa hoặc ăn chiều mà chẳng thấy ngán. Không chỉ người Việt, nhiều du khách nước ngoài cũng say mê phở mỗi khi có dịp đến Việt Nam.
Sở dĩ phở được yêu thích là bởi thứ nước dùng thơm ngon và ngọt ngào được chiết xuất từ xương ninh nhiều giờ trong nồi nấu phở cùng sự kết hợp của nhiều nguyên liệu.
Những sợi bánh phở nhỏ nhắn, dai dai, mềm mềm, trăng trắng như được ngấm đều bởi nước dùng. Sự thành công của người nấu chính là đã làm cho tất cả những nguyên liệu từ nước, bánh phở đến thịt, rau thơm đều hòa quyện với nhau làm một. Nếm một thứ người ta có thể hình dung được thứ kia tươi ngon đến nhường nào.
Mùa hè hay mùa đông, trong cái se lạnh của heo may tháng 8 hay trong cái nắng ấm áp của mùa xuân, người ta đều có thể ăn phở. Mỗi mùa hay từng thời điểm trong ngày, thưởng thức phở đều tạo nên những nét thú vị riêng, hương sắc riêng mà chỉ có những người mê phở mới cảm nhận được.
Nhà văn Thạch Lam đã từng viết về phở trong cuốn “Hà Nội băm sáu phố phường” với một thứ tình cảm ưu ái nhất:
“Phở là một thứ quà đặc biệt của Hà Nội, không phải chỉ riêng Hà Nội mới có, nhưng chính là vì chỉ ở Hà Nội mới ngon”. Phở ngon phải là phở “cổ điển”, nấu bằng thịt bò,”nước dùng trong và ngọt, bánh dẻo mà không nát, thịt mỡ gầu giòn chứ không dai, chanh ớt với hành tây đủ cả”, “rau thơm tươi, hồ tiêu bắc, giọt chanh cốm gắt, lại điểm thêm một ít cà cuống, thoảng nhẹ như một nghi ngờ”.
Vào thời những năm 1940, phở đã rất phổ biến ở Hà Nội: “Đó là thứ quà ăn suốt ngày của tất cả các hạng người, nhất là công chức và thợ thuyền. Người ta ăn phở sáng, ăn phở trưa và ăn phở tối….”.
Tuy món phở là món ăn ai cũng có thể nấu nhưng chẳng phải ai nấu cũng ngon. Phở ngon quan trọng nhất là nấu nước dùng. Thứ nước được nấu từ nước ninh của xương bò: xương cục, xương ống. Thịt dùng cho món phở có thể là bò, hoặc gà. Bánh phở phải mỏng và dai mềm, gia vị của phở là hành lá, hạt tiêu, giấm ớt, lát chanh thái.
Hương vị thơm ngon của nước dùng chủ yếu do các loại gia vị quyết định. Tuy nhiên, công thức của từng loại nước dùng cụ thể cho từng hiệu phở được giữ khá bí mật. Mặc dù vậy, có thể nhận thấy các loại gia vị này bao gồm thảo quả, gừng, hoa hồi, đinh hương, hạt ngò gai, quế thanh, hành khô, tôm nõn, địa sâm và theo truyền thống, không thể thiếu một cái đuôi bò.
Theo nhiều người sành phở cho rằng, Nam Định là nơi có bánh phở rất ngon. Phở Nam Định cũng có những đặc điểm chung như phở của các vùng khác là gồm bánh phở, nước phở, thịt bò hoặc thịt gà, và một số gia vị kèm theo, nhưng lại mang cái khác toàn diện mà khó có thể nhầm lẫn được.
Bánh phở Nam Định là loại đặc biệt có sợi nhỏ ngon và mềm, khác với sợi bánh của vùng khác. Thịt bò được thái mỏng đập dập, nhúng và vớt trong khoảng thời gian phù hợp nên ăn mềm mà vẫn giữ được độ tươi ngon và dinh dưỡng của thịt… Và nếu nói đến nước thì thường mang tính “gia truyền” bởi những người thợ làm phở thường giấu kín bí quyết pha chế nước phở của mình và chỉ truyền cho thế hệ sau trong gia đình mà thôi.
Người Nam Định có thể hoàn toàn tự hào về món phở của họ cũng như người Việt tự hào về món phở nước mình với thế giới. Nhiều người Việt ra nước ngoài sinh sống, họ cũng đã mang niềm tự hào này đến với các thực khách trời Tây. Những quán phở Việt bây giờ chẳng còn xa lạ ở nước ngoài và nhanh chóng cuốn hút bất cứ ai thưởng thức.
Ngoài Phở Việt, còn các món ăn khác của nước lọt vào top 40 này như: Bánh mì kẹp Falafel (Tel Aviv, Israel). Bò bít tết nướng (Brooklyn, New York, Mỹ). Cơm trộn thập cẩm Paella (Barcelona, Tây Ban Nha). Bánh pizza (Napoli, Italia). Bánh Taco (Los Cabos, Mexico). Soup bánh bao (Thượng Hải, Trung Quốc). Món Feijioada (Brazil). Bánh mì kẹp của Po’boys Johnny (New Orleans, Louisiana, Mỹ). Kem tự chế Grom (Italia). Dimsum (Hong Kong, Trung Quốc)… Mỗi món ăn mang một đặc trưng riêng của văn hóa ẩm thực nơi làm ra nó.